r
ạng thái bình thường mới, các hoạt động được mở cửa lại, thành phố quay về nhịp sống hối hả trước đây... là niềm mong mỏi của toàn bộ người dân tại đô thị lớn nhất cả nước.
Trong quãng thời gian siết chặt giãn cách xã hội để phòng dịch từ ngày 23/8, TPHCM đã đạt được những kết quả khả quan tại một số thời điểm. Số lượng ca F0, số ca tử vong được kéo giảm, số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện trong một ngày tăng cao.
Trước những thành quả bước đầu trên, việc TPHCM nới lỏng các biện pháp, mở cửa lại một số dịch vụ là điều được người dân mong đợi sau thời gian dài áp dụng các biện pháp giãn cách ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, thành phố chỉ trở lại trạng thái bình thường mới khi các lĩnh vực hoạt động đạt được sự an toàn nhất định trước đại dịch.
Một ngày trước khi thành phố kết thúc đợt siết chặt giãn cách xã hội kéo dài 2 tuần, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đưa ra nhận định, thành phố không thể thực hiện việc giãn cách triệt để, nghiêm ngặt mãi, cũng khó để vét sạch tất cả F0 trong cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái bình thường mới, từng bước mở lại các hoạt động, toàn địa bàn cần chuẩn bị tâm thế, thay đổi thói quen và có những hành trang nhất định.
TPHCM đã đủ mức an toàn?
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, thành phố sẽ mở rộng "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19. Trong tháng 8, TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và quận Phú Nhuận, Quận 5, 7, 11.
Hôm 2/9, huyện Củ Chi và Quận 7 đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tại 2 địa phương này, "vùng xanh" được mở rộng, số ca mắc và số ca tử vong đã giảm so với trước đây.
Sau hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kéo giảm khu vực thuộc "vùng đỏ", giữ vững, tiến tới mở rộng "vùng xanh", toàn thành phố có số tổ dân phố thuộc khu vực an toàn là 53%, số lượng khu vực nguy cơ rất cao chỉ còn 18%.
Trong gần nửa tháng TPHCM áp dụng những biện pháp mạnh nhất để hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người, số lượng bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 có thời điểm giảm sâu, nhưng cũng có lúc lên cao.
Từ ngày 30/8 đến ngày 1/9, biểu đồ số ca mắc mới có chiều hướng đi xuống, tuy nhiên, vào ngày 4/9, thành phố tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với 8.499 trường hợp.
Những con số trên cho thấy, những chuyển biến trong công tác phòng, chống dịch của thành phố đã xuất hiện, nhưng chưa rõ nét và chưa bền vững.
Trước câu hỏi, thành phố đã tính tới phương án mở lại một số hoạt động tại khu vực đã kiểm soát được dịch, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, cho biết việc Quận 7, huyện Củ Chi công bố kiểm soát dịch không đồng nghĩa với việc sẽ nới lỏng các biện pháp đang áp dụng. Việc mở cửa lại các lĩnh vực cần sự đánh giá tổng thể trên bình diện toàn TPHCM.
Thành phố chưa thể trả lời được câu hỏi, khi nào nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn địa bàn đang tiếp tục phấn đấu cho chặng đường dài từ nay đến ngày 15/9 - ông Hải chia sẻ.
Dồn sức cho điều trị, số lượng F0 ra viện tăng cao
Đầu tháng 8, khi số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng cao so với cả giai đoạn dài trước đó, ngành y TPHCM đứng trước những áp lực khổng lồ về nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác điều trị. Với 45.000 giường bệnh tại cả 5 tầng điều trị thời điểm ấy, thành phố đã tiếp nhận hơn 33.000 bệnh nhân. Số giường tại tầng 5, khu vực điều trị, cấp cứu, hồi sức, đã không còn chỗ trống.
Cuối tháng 8, sau khi thực hiện sắp xếp, phân loại lại, TPHCM chỉ còn 3 tầng điều trị. Trong đó, tầng một gồm các biện pháp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị các F0 nhẹ; tầng 3 gồm các cơ sở hồi sức chuyên sâu cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.
Tính đến nay, tổng công suất có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trên toàn địa bàn là gần 100.000 giường. Trong đó, TPHCM có khả năng tiếp nhận, điều trị cho 4.600 bệnh nhân nặng, nguy kịch cùng lúc tại tầng điều trị thứ 3.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng tính tới phương án huy động các trường hợp F0 khỏi bệnh tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Với độ miễn nhiễm cao sau khi khỏi bệnh, lực lượng này được kỳ vọng giảm tải áp lực cho các nhân viên y tế, tăng công suất điều trị và giúp nâng cao sức mạnh tinh thần cho người nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị.
Những con số trên cho thấy, TPHCM đã đầu tư ra sao cho chiến lược tập trung điều trị, kéo giảm F0 nặng, tử vong. Trong thực tế, sự đầu tư này đã mang lại kết quả bước đầu tích cực đối với tình hình dịch Covid-19 của địa phương.
Cụ thể, từ ngày 23/8 tới nay, số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện có chiều hướng tăng cao. Đặc biệt, trong ngày 2/9, số bệnh nhân xuất viện đạt 4.172 trường hợp, cao nhất trong hơn một tháng qua.
Tính đến nay, trong số hơn 241.000 trường hợp mắc Covid-19 được công bố, TPHCM có hơn 120.500 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, xuất viện. Con số bệnh nhân xuất viện đã tiệm cận 50% tổng số ca mắc.
Mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh ngày 15/9
Nghị quyết 86 của Chính phủ yêu cầu, TPHCM cần phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9. Tuy nhiên, hiện tại, diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, những dấu hiệu khả quan xuất hiện nhưng chưa đạt được sự ổn định.
Trao đổi với Dân trí, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng thành phố chưa nên và cũng chưa đủ điều kiện để mở các hoạt động sau ngày 6/9. Theo bác sĩ, điều kiện tiên quyết để thành phố mở lại các hoạt động là vấn đề tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Thời gian từ nay đến 15/9 không còn dài, TPHCM cần tập trung toàn lực cho công tác tiêm chủng vắc xin để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 86.
Ông Trương Hữu Khanh đánh giá, hiện tại những con số thống kê về tình hình dịch bệnh, như số người nhiễm không còn là điều quá quan trọng. Bởi, với tính chất dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng, việc mở rộng, tăng cường xét nghiệm sẽ giúp ngành y phát hiện, bóc tách được càng nhiều F0 trong cộng đồng.
Khi số ca mắc phát hiện càng nhiều, trường hợp tử vong sẽ tăng theo với tỷ lệ nhất định. Con số cần lưu tâm nhất hiện tại là số lượng người được tiêm vắc xin Covid-19 và số đối tượng nguy cơ đã được tiêm chủng.
"Riêng trong vấn đề tiêm chủng vắc xin Covid-19, để hạn chế được số ca tử vong trong giai đoạn sắp tới thì số người già, người có bệnh nền được tiêm vắc xin Covid-19 cần được nâng cao nhất có thể", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Lý giải cho quan điểm trên, bác sĩ Khanh phân tích, người già, người có bệnh nền là nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-COV-2 do sức đề kháng yếu. Khi bị mắc Covid-19, họ cũng là những người dễ diễn biến nặng và tử vong nhất.
"Khi chưa tiêm chủng hết cho nhóm đối tượng nguy cơ và đạt độ bao phủ vắc xin cần thiết, thành phố sẽ cần kéo dài thêm thời gian giãn cách, kể cả sau ngày 15/9", bác sĩ Khanh nêu quan điểm.
Ông Khanh cho rằng, hiệu quả của việc tăng độ phủ vắc xin Covid-19 sẽ không xuất hiện ngay. Tuy nhiên, những chuyển biến rõ nét sẽ thể hiện rõ sau khoảng 14 ngày.
Về phương hướng mở lại các hoạt động, tiếp cận trạng thái bình thường mới của TPHCM, vị bác sĩ góp ý, địa bàn cần tính toán mở lại một cách có lộ trình, thận trọng. Trước tiên, thành phố cần định hướng, phân loại những hoạt động có thể thực hiện đối với từng nhóm đối tượng.
"Ví dụ như người đã tiêm đủ 2 mũi được làm gì, người mới tiêm một mũi cần giới hạn những hoạt động nào, người cao tuổi hay người có bệnh nền cần hạn chế các hoạt động ra sao so với nhóm người trẻ, có sức khỏe tốt", ông Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Trạng thái bình thường mới của TPHCM sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề cập tới ngày 5/9. Theo đó, trạng thái bình thường mới của TPHCM sẽ khác hoàn toàn với trạng thái bình thường trước đây.
"Giống như sống chung với lũ, với bão, nhà cần tôn cao lên, ghe, xuồng, áo phao cần chuẩn bị để giữ sinh mạng. Dịch bệnh thì cần vắc xin, thuốc, tâm thế, ý thức, những điều kiện cần và đủ", Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích.
Để sống trong trạng thái ấy, từng người dân cần tuân thủ quy tắc 5K, gần đây, xã hội có thêm thông điệp 7K, gồm cả môi trường thông thoáng, đủ sức khỏe. Người dân cần biết cách vệ sinh, súc miệng thể nào để loại trừ mầm bệnh nếu trong bối cảnh virus thâm nhập.
Ngoài ra, người dân cũng cần trang bị đủ kiến thức để biết cách tự điều trị, cách ly, với sự hỗ trợ của hệ thống y tế đủ mạnh trong trường hợp không may mắc Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch, điều quan trọng trước hết là cần chuẩn bị tâm thế, thay đổi thói quen sống của từng người.
Trạng thái bình thường mới, các hoạt động được mở cửa lại, thành phố quay về nhịp sống hối hả trước đây là niềm mong mỏi của toàn bộ người dân tại đô thị lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, người dân, các cấp chính quyền và ngành y tế cần chuẩn bị đủ hành trang để đảm bảo từng hoạt động diễn ra trong trạng thái ấy phải đạt mức độ an toàn cao nhất trước dịch bệnh.
"Nếu tiếp tục tái diễn lại một lần nữa như những gì chúng ta đã trải qua, mọi chuyện sẽ cực kỳ khó, chúng ta không còn sức nữa", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Nguồn: Dân Trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-da-du-an-toan-de-noi-gian-cach-20210905223229159.htm