Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết tính đến đầu tháng 9, nước này ghi nhận gần 5,3 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dương tính với nCoV kể từ đầu đại dịch, chiếm 15,5% tổng số ca nhiễm.
Tuy nhiên, sau xu hướng giảm hồi đầu mùa hè, số ca nhiễm ở trẻ em Mỹ đã tăng theo cấp số nhân và chiếm tới 28,9% tổng số ca nhiễm từ ngày 3/9 đến 9/9, tương đương 243.000 trường hợp. Hệ quả là ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên nhập viện vì Covid-19, dù số ca nghiêm trọng vẫn tương đối hiếm.
Tại Trung Quốc, ổ dịch mới ở tỉnh Phúc Kiến cũng được phát hiện hôm 9/9, sau khi hai học sinh có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm nCoV định kỳ tại một trường tiểu học ở quận Tiên Du, thành phố Phủ Điền. Một học sinh khác và ba phụ huynh có kết quả dương tính vào hôm sau.
Chỉ trong một ngày, từ 11/9 đến 12/9, số ca nhiễm nCoV tại tỉnh Phúc Kiến đã tăng gấp ba, lan sang các thành phố khác ngoài Phủ Điền. Kết quả xét nghiệm sơ bộ trên các mẫu từ một số ca nhiễm tại Phủ Điền cho thấy họ đã nhiễm biến chủng Delta.
So với chủng nCoV gốc, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn ít nhất hai lần, dẫn đến ngày càng nhiều ca nhiễm ở những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, trên tất cả nhóm tuổi.
Không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta đang nhắm đến trẻ em nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trong dân số trưởng thành cao hơn, hầu hết quốc gia cũng chưa phê duyệt tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi, được cho là lý do ngày càng nhiều trẻ em nhiễm nCoV.
Mặc dù vậy, Covid-19 vẫn là bệnh nhẹ ở đại đa số trẻ em. Không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta đang làm thay đổi đặc điểm này. Trường hợp trở nặng sau khi nhiễm nCoV ở trẻ em vẫn khá hiếm, số ca nhập viện và tử vong càng ít hơn.
Trong số các bang tại Mỹ báo cáo dữ liệu, trẻ em chỉ chiếm 1,6 đến 4% tổng số ca nhập viện vì Covid-19 kể từ khi đại dịch khởi phát. Tính trong tổng số ca nhiễm ở trẻ em, chỉ 0,1 đến 1,9% phải nhập viện, theo Học viện Nhi khoa Mỹ.
Các ca nhập viện ở trẻ em thường vì những lý do khác, không phải do biến chứng Covid-19. Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết trẻ em chiếm chưa đến 0,3% tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại nước này, nguy cơ tử vong cũng chỉ dưới 0,03%.
Theo giới chuyên gia, nguy cơ trở nặng ở trẻ em thấp hơn nhờ có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ hơn so với người trưởng thành. Đặc điểm này thường giúp cơ thể của trẻ em ngăn chặn virus thành công trước khi nCoV có cơ hội lan đến phổi, gây viêm phổi và các biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em có thể đã giúp tăng cường phản ứng miễn dịch bẩm sinh.
Tuy nhiên, một số trẻ em từng nhiễm nCoV sau này có thể phát triển một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, được gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em, dù chưa rõ nguyên nhân. Thêm vào đó, một số chuyên gia cảnh báo đến giai đoạn này của đại dịch, trẻ em có khả năng trở thành nguồn tích tụ nCoV, gây nguy hiểm cho cả các em và toàn cộng đồng.
Tiến sĩ Catterina Ferreccio, nhà dịch tễ học tại Ủy ban Cố vấn Covid-19 của Bộ Y tế Chile, nhận định rằng có thể đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện biến chủng mới đánh bại khả năng phòng thủ tự nhiên trước virus của trẻ em. Ngoài ra, một số trẻ em mắc các bệnh mạn tính có nguy cơ trở nặng vì Covid-19 cao hơn, khiến nhiều nơi phải đưa nhóm này vào danh sách ưu tiên.
Vì vậy, bất chấp những nghiên cứu cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên ít làm lây lan nCoV hơn ở cấp độ dân số và việc ưu tiên tiêm chủng cho người trưởng thành giúp bảo vệ toàn cộng đồng tốt hơn, một số nước vẫn thúc đẩy tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em. Chile, Cuba và Trung Quốc thậm chí đang triển khai tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi.
"Có thể đúng là hầu hết trẻ em vẫn sẽ ổn nếu nhiễm virus, nhưng một số khác thì không như vậy", bác sĩ nhi khoa Lorena Tapia tại Chile cho biết, chỉ ra rằng 52% trẻ em trong độ tuổi đi học ở nước này bị thừa cân hoặc béo phì, cùng số lượng đáng kể trẻ em mắc các bệnh về hô hấp.
Mỹ đã cho phép tiêm chủng Covid-19 cho trẻ trên 12 tuổi và đang chờ nghiên cứu thêm tác động của vaccine Pfizer với trẻ em ở độ tuổi 5-11. Các nước châu Âu như Pháp, Italy và Đức cũng ra quyết định tương tự.
Giới chuyên gia cho rằng mọi khuyến nghị đều cần phải cân nhắc giữa nguy cơ tổn hại vì Covid-19 và nguy cơ từ tiêm chủng, cũng như những lợi ích rộng lớn hơn nhờ vaccine như giảm lây nhiễm trong cộng đồng, tránh đóng cửa trường học và giúp trẻ em được thoải mái hơn. Các nhà nghiên cứu tại Australia còn cho rằng miễn dịch cộng đồng khó đạt được nếu trẻ em 5-15 tuổi không được tiêm chủng.
"Là bà của 5 đứa cháu, tôi đã chứng kiến lũ trẻ gặp khó khăn đến mức nào khi phải ở nhà. Điều này càng tồi tệ hơn với những gia đình thu nhập thấp", nhà dịch tễ học Ferreccio cho biết.
"Khi trường học đóng cửa dài ngày, tỷ lệ bạo lực gia đình đang gia tăng và gây tổn hại vô cùng khủng khiếp đến trẻ em. Trường học là nơi an toàn với nhiều đứa trẻ. Tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp xoa dịu nỗi lo ngại của các bậc phụ huynh, giáo viên và giới dịch tễ học. Chúng tôi không thể chờ đợi thêm nữa", bà nói.
Nguồn: VNEXPRESS
https://vnexpress.net/chung-delta-rinh-rap-tre-em-toan-cau-4357212.html