Bệnh viện dã chiến 'giảm nhiệt', TP HCM định đóng cửa dần

Banner quảng cáo
  • 100% Nhập khẩu Hàn Quốc
  • /
  • Email: sante3650@gmail.com
  • /
  • Tel: 028 6296 2608 – 0969 212 839

Bệnh viện dã chiến 'giảm nhiệt', TP HCM định đóng cửa dần

Ngày đăng: 22/09/2021 01:15 PM

Các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 không còn cảnh xe cứu thương nối đuôi nhau đưa F0 đến nhập viện, ngành y tế tính đến phương án giảm dần các cơ sở này.

Một tuần nay, khu cấp cứu bệnh nhân nặng Bệnh viện dã chiến số 12 tiếp nhận khoảng 25-30 trường hợp mỗi ngày. Lúc cao điểm (ngày 27/8), khu này điều trị 73 bệnh nhân nặng, cần hỗ trợ oxy. Bệnh viện đang điều trị tổng cộng 1.900 F0, giảm hơn khoảng 400 ca so với ngày cao nhất (14/9).

"Khi TP HCM xét nghiệm diện rộng từ ngày 23/8, F0 tăng nhanh, mọi người lo ngại sẽ quá tải bệnh nhân nặng cấp cứu nhưng thực tế ngược dự đoán, số ca cấp cứu lại giảm", bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12) nói.

Bệnh viện dã chiến số 12 là một trong số khoảng 30 bệnh viện dã chiến được TP HCM thiết lập khẩn cấp trên cơ sở trưng dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có như ký túc xá, chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, trường học... từ cuối tháng 6, trong bối cảnh mỗi ngày thành phố ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Thời gian đầu, các bệnh viện đều hoạt động hết công suất, "giường bệnh thiết lập đến đâu kín bệnh nhân đến đấy".

Theo phân tầng điều trị ban đầu của TP HCM, bệnh viện dã chiến thuộc tầng thấp nhất, chỉ tiếp nhận các F0 nhẹ hoặc không triệu chứng. Cuối tháng 7, thành phố yêu cầu các quận huyện thành lập cơ sở cách ly tập trung cho trường hợp F0 không có triệu chứng, bệnh viện dã chiến trở thành nơi tiếp nhận F0 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo, được bổ sung thêm nguồn oxy lỏng, máy thở oxy dòng cao...

Tình trạng giảm F0 nặng vào viện được ghi nhận tại hầu hết bệnh viện dã chiến khác. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2) cho biết, ngày 21/9 trong số hơn 1.800 F0 đang điều trị, chỉ còn 6 trường hợp hồi sức tích cực (ICU), trong đó chỉ 2 ca thở oxy dòng cao (HFNC), số thở oxy mũi và mask khoảng hơn 40. "Lúc cao điểm, bệnh viện có đến 25 ca thở HFNC, 170 ca thở oxy mũi và mask", bác sĩ Dũng nói.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến chuyển đổi từ khu chung cư ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến chuyển đổi từ khu chung cư ở TP HCM, tháng 7. Ảnh: Hữu Khoa

Một trong những nguyên nhân số F0 nặng vào viện giảm, theo bác sĩ Dũng là nhờ vào độ phủ vaccine tốt của thành phố. "Trước đó, tất cả ca bệnh nặng tại viện đều không tiêm ngừa, hoặc tiêm xong chưa đủ thời gian tạo kháng thể", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Công tác quản lý tốt F0 ngay từ đầu với sự thành lập trạm y tế lưu động, huy động nhiều lực lượng, đặc biệt bác sĩ quân y điều trị F0 tại nhà, thành lập những khu cách ly tập trung dã chiến tuyến quận huyện, điều trị thuốc sớm, xử trí kịp thời khi có dấu hiệu chuyển biến xấu cũng góp phần kéo giảm số F0 trở nặng.

Chiến lược điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, tại cộng đồng được TP HCM đẩy mạnh từ giữa tháng 8. Từ khi ấy, bệnh viện dã chiến chỉ tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền.

Trước thực tế tỷ lệ F0 chăm sóc cách ly tại nhà tăng, chiếm khoảng 40% tổng số F0 đang điều trị, số ca khỏi bệnh xuất viện ngày càng nhiều, ngành y tế TP HCM đang tính toán phương án giảm dần các cơ sở dã chiến, đưa trường học, ký túc xá, chung cư, nhà văn hóa... về chức năng ban đầu.

"Đây là một kế hoạch lớn, Sở Y tế TP HCM đang lập một tổ chuyên trách để xây dựng", một lãnh đạo Sở nói với VnExpress, ngày 21/9.

Trong Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9, gửi UBND TP HCM, Sở cho biết chỉ duy trì một số bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị Covid-19. Ngành y tế ưu tiên chuyển đổi các bệnh viện về chức năng ban đầu, khi dịch bệnh ổn định, để tiếp nhận người bệnh không phải Covid-19. Các bệnh viện quận, huyện khi tái cấu trúc trở về công năng ban đầu vẫn phải đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh Covid-19 với quy mô tối thiểu là 20-40 giường có oxy.

TP HCM tiếp tục duy trì, nâng cao công suất 10 bệnh viện và trung tâm hồi sức quốc gia đến khi kiểm soát được dịch; giữ cơ sở hạ tầng 3 trung tâm đặt tại bệnh viện dã chiến để sẵn sàng hoạt động nếu dịch tái phát.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại TP HCM), cho rằng việc xây dựng kế hoạch tái cơ cấu lại của các cơ sở dã chiến, các trung tâm điều trị hồi sức nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng đang giao Sở Y tế cơ cấu, bố trí lại hệ thống y tế tuyến cơ sở để nâng sao năng lực, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, giúp đáp ứng với Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Sơn, tình hình dịch tại TP HCM có dấu hiệu tích cực, số ca mắc mới giảm dù đang thực hiện chiến lược xét nghiệm thần tốc, tỷ lệ dương tính trên số mẫu xét nghiệm giảm rõ rệt. Số lượng bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ y tế sớm tăng lên cao trong thời gian qua với sự tham gia của các trạm y tế lưu động. Tỷ lệ tử vong ở các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến đang giảm dần và "hy vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới". Các loại thuốc kháng virus dành cho F0 từ nhẹ đến trung bình, nặng, bên cạnh thuốc kháng đông, kháng viêm được bổ sung ngày càng đầy đủ, giúp giảm hiệu quả tỷ lệ trở nặng.

Việc tính toán giảm dần số bệnh viện dã chiến được một số lãnh đạo viện cho là cần có lộ trình sớm giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiết kiệm chi phí vận hành bệnh viện. "Ngành y tế phải có kế hoạch để vừa điều trị Covid-19 vừa phục hồi kinh tế từ bây giờ, đến lúc phù hợp sẽ áp dụng ngay bởi duy trì một bệnh viện dã chiến thêm một ngày là tốn thêm khoảng 500-700 triệu đồng ngân sách", lãnh đạo một bệnh viện nói.

Các bác sĩ cho rằng khi F0 được quản lý chăm sóc tốt tại nhà, lượng bệnh nhân nặng giảm dần, mỗi bệnh viện thiết lập khu vực riêng điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình "tách đôi" có thể đã đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, không cần duy trì nhiều bệnh viện dã chiến. Khi ấy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các bệnh viện sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, không bị phân tán đi khắp nơi.
Nguồn: VNEXPRESS
https://vnexpress.net/benh-vien-da-chien-giam-nhiet-tp-hcm-dinh-dong-cua-dan-4359854.html

Chương trình khuyến mãi

0
Zalo
Hotline